Phạm Quân Phong: Kết nối những câu chuyện bằng nghệ thuật xăm hình
Lý do mà anh Phong lựa chọn đến với nghề này là gì ?
“Ngọn gió hồng” đưa anh tới con đường kim mực chính là những người bạn của anh. Việc anh bén duyên với xăm cũng một phần tại thời điểm đó cái nghề xăm hình đang là cái thú, là cái trend. Vì vậy, anh tìm hiểu địa chỉ đào tạo ở Hà Nội theo lời người quen. Thấm thoắt từ cậu nhóc mới học nghề rồi lên thợ cũng gần chục năm, chẳng biết từ bao giờ anh yêu luôn cái nghệ thuật này hơn mình tưởng - anh vừa cười vừa chia sẻ.
Trong suốt quá trình làm nghề thì anh đã gặp phải những khó khăn gì?
“Khó khăn chứ, đặc biệt là hồi mới ra lò”. Với những anh thợ chập chững mới bắt đầu thì cũng khó. Khoảng 3-4 năm sau khi học nghề thì anh cũng xoay được chút vốn để mở cho mình một tiệm xăm nho nhỏ. Mấy ngày đầu mới mở thì cũng được anh em bạn bè ủng hộ nhưng cũng vất đủ đường. Anh phải lo chạy cả tờ rơi rồi nhờ bạn bè giới thiệu bởi lẽ anh là thợ mới chưa có nhiều kinh nghiệm đồng thời phải quản lý một cửa hàng có lẽ hơi quá sức. Thất bại là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, anh không nản lòng mà quyết định đi trau dồi thêm kinh nghiệm, thử sức mình ở các địa điểm khác để rồi hoàn thiện bản thân. Cuối cùng thì, “đứa con tinh thần” của anh cũng đã vững vàng hơn từ những cú vấp đó và duy trì cho tới tận bây giờ.
Vậy trong cả quá trình thăng trầm hơn 10 năm ấy, kỉ niệm về hình xăm mà anh ấn tượng nhất là gì, anh có thể chia sẻ được không?
11 năm không quá dài cũng không quá ngắn so với một người làm nghề nhưng cũng đủ để anh “vẽ” qua đủ loại hình: rồng rắn, thần phật, hoa lá,.. Đối với anh, thì những “bức tranh” mang kỷ niệm như về gia đình hay bạn bè, hoặc một cột mốc quan trọng nào đó mà được các bạn trẻ GenZ ngày nay ưa chuộng để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất. Có những hình xăm ngô nghê như của cậu nhóc 17 tuổi xăm tên người mình yêu hay ngày kỉ niệm yêu đương. Lại có những hình xăm mang trong mình tình cảm của một bạn nữ dành cho mẹ mình nhưng lại chẳng thể cất thành lời mà đành khắc họa qua những nét mực tỉ mỉ. Thậm chí là những câu chuyện buồn của một bạn nam quyết định đi xăm sau đám tang của người bố đã mất. Những hình xăm ấy không chỉ đơn giản là những nét mực khắc họa bằng nhiệt huyết của người thợ xăm mà còn mang trong đó một thứ “tình”. Những họa ảnh ấy còn mang trên mình ý nghĩa biểu trưng, mà nhờ có thứ tài hoa kim mực ấy mà thấm nhuần vào da thịt-như một lời nhắc nhở. “Anh là một người sống khá tình cảm”-anh Phong tự nhận xét. Bởi vậy mà hiệu xăm của anh luôn muốn đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất bằng cái tâm của người nghệ sĩ và hơn cả đó là cái tình giữa người với người, với những câu chuyện của khách hàng với chính câu chuyện của cuộc đời anh. Nghe anh nói, bất giác hình ảnh của anh Phong hiện lên trong mắt tôi như là một người thợ xây- người thợ của những cây cầu kết nối những cảm xúc xây bằng ngọn lửa nhiệt huyết, một người thợ may- dùng những mũi kim để móc nối kỉ niệm, một thầy đồ với nét mực kết tinh trên da dẻ.
Điều anh yêu thích khi theo đuổi đam mê này là gì?
Ban đầu anh cũng chỉ là cái nghề thôi, cái công cụ kiếm miếng cơm thôi. Cực chẳng đã rồi thì cũng tự bao giờ nó lại gắn kết với con người anh. Tự bao giờ, anh đã đem lòng yêu thích cái thứ nghệ thuật tỉ mẩn tì mần ấy. “Đã là yêu rồi thì còn cần lý do hả em?”- anh Phong trả lời mà tay vẫn thoăn thoắt làm việc. Có lẽ thứ anh yêu chính là bản thân anh khi được công nhận tài năng, được tin tưởng giao cho trọng trách “người khắc họa những kỉ niệm, nghệ sĩ biến những thứ cảm xúc vô hình thành hữu hình trên da thịt”. Anh cười lém lỉnh :” Đặc biệt là những khách nữ xinh, mê anh xăm lắm. Thỉnh thoảng được phỏng vấn vui này”. Nhưng đối với anh niềm vui lớn nhất, chắc chắn là nụ cười của khách hàng, đôi khi còn là những giọt nước mắt hạnh phúc khi ngắm nghía hình xăm “chứa” trong đó là cả một bầu trời kí ức. Chính những điều đơn giản ấy đã gieo vào tâm hồn anh hạt giống tình yêu nghề để rồi được vun vén, nuôi dưỡng qua từng năm tháng.
Và cuối cùng anh có lời khuyên gì với những bạn trẻ đam mê bộ môn nghệ thuật này không ạ?
“Cái nghề này nó cực lắm mấy em ạ, đừng có theo!!! ”- anh ném cho tôi cái cười bỡn cợt. Xăm không chỉ đơn giản là cầm chiếc kim máy nguệch ngoạc, vẽ vời vài ba nét mực mà phải dựa vào cái tâm, cái lòng nhiệt thành với thứ nghệ thuật hoa mĩ ấy. Đối với những bạn trẻ Gen Z thời nay anh nghĩ xăm cũng là một cái nghề để các bạn có thể bày tỏ cái tôi, cái chất riêng của mình. Các bạn ấy giờ “chất” lắm. Các bạn sinh ra thời đại số chứ không phải vất như anh, chỉ cần các bạn muốn học và quyết tâm theo đuổi thì xăm thực sự không quá khó. Chính lòng kiên trì, cái tôi cá tính và việc không ngần ngại tiếp thu, và đổi mới bản thân từng ngày thì anh cá chắc “những chú tắc kè hoa Gen Z” có thể yêu lấy cái nghề này của anh.
Nhận xét
Đăng nhận xét