Những bông hoa được xăm trên trăm vết sẹo
Chúng ta đã từng thích xăm mình:
Cũng giống như các nền văn hoá khác vào thời cổ đại, “thú” xăm mình của người Việt cổ cũng đã có thời từng được tôn vinh. Trong sách Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần viết: Một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình, kéo dài đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Từ thời vua Hùng, người dân thừa lệnh vua lấy màu xăm hình thủy quái vào người, từ đó không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Từ thời Lý - Trần trở đi, đặc biệt là vào thời nhà Trần, từ vua quan cho chí thần dân ai cũng thích xăm hình vào người và đối với những người trong hoàng tộc, phục dịch trong triều đình buộc phải xăm hình lên thân thể, coi đó như là một luật lệ phải thi hành. Theo sử liệu, để tỏ rõ ý chí quyết tiêu diệt giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn xã tắc, năm 1285, quan quân nhà Trần tất thảy đều xăm lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” (giết quân Thát Đát, tức quân Mông Cổ).
Ai nói xăm mình là không đúng đắn?
Mọi sự mặc định tốt xấu đều có thể dần dần thay đổi khi ta ngày càng chứng kiến nhiều hơn những điều đi ngược lại những gì ta từng suy nghĩ. Những năm gần đây cái “thú" xăm mình lại “được” đóng khung với những cụm từ “ngổ ngáo”, “nông cạn”, hay gần nhất với GEN Z là “báo đời”. Nhưng kỳ thực, hình xăm bản thân nó không có gì xấu xa. Nó có ý nghĩa tốt đẹp hay ti tiện là do hoàn cảnh xã hội cụ thể và cái nhìn định kiến của chính chúng ta.
Là phụ nữ châu Á, mang trên người một hình xăm không dễ dàng. Định kiến về phụ nữ đoan trang trong sạch từ tấm thân đến tâm hồn đã ăn sâu vào suy nghĩ người Việt dễ có đến hàng ngàn năm; và hơn nữa, ý niệm tích cực về hình xăm thì đã mất đi từ nhiều ngàn năm trước đó. Mấy hôm trước, một cô phó hiệu trưởng đọc lời khai giảng trước sân trường trống trải. Bức ảnh chụp từ đằng sau để lộ một hình xăm nhỏ xíu trên gáy. Thật dễ hiểu khi có rất nhiều lời phê phán, nói rằng cô không trong sạch, không làm gương cho học sinh, giáo viên mà cũng xăm trổ thì dạy học sinh thế nào?
Ngay sau khi đón nhận nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, trên trang cá nhân của mình, cô Văn Thùy Dương đã giải thích ý nghĩa về bức ảnh ngày khai giảng cũng như hình xăm. Cô Văn Thùy Dương viết: "Ý nghĩa (hình xăm ngôi sao 6 cánh) cho riêng tôi: Là sự mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và mọi thế lực đen tối để mang lại cuộc sống cân bằng cho mình bằng chính sự giác ngộ toàn vẹn.”
Kì thực, ở trong xã hội hiện tại chúng ta không thể phủ nhận, phần đông những người mở lòng coi hình xăm là một bộ môn nghệ thuật là giới trẻ, trong khi tầng lớp trung niên, người già, những người thuộc thế hệ cũ vẫn mang trong mình nhiều định kiến khó lòng xóa bỏ. Tớ không thể trách những người đã buông lời chỉ trích, họ có cái lý của mình, nhưng cái họ nhìn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Liệu họ có thể thấy hết được câu chuyện đằng sau, và liệu họ có sẵn sàng thay đổi quan niệm khi đã biết được câu chuyện ấy? Nhưng tớ tin, là khi họ hiểu được ý nghĩa đằng sau, họ sẽ ngừng chỉ trích, đánh giá cay nghiệt, hay kì thị một ai đó chỉ vì họ có hình xăm trên da.
Thế nhưng chúng ta cũng phải làm rõ với nhau một điều rằng xăm hình cũng cần đủ chín để chơi, đủ lớn để hiểu, đủ quyết tâm để chịu những hậu quả cũng như sự đánh giá của dư luận.
Đã đến lúc nhìn lại định kiến về hình xăm:
Như ai đó đã từng nói: “ Không thể đánh giá một người qua việc có hình xăm hay không; cũng như không thể phán xét 1 đứa trẻ thông minh hay ngốc nghếch qua màu da của chúng”, chỉ khi nào sẵn sàng mở lòng ra để lắng nghe câu chuyện ấy, bạn mới thực sự hiểu được chủ nhân của nó là người thế nào? Đừng đánh giá người khác thông qua những hình xăm trên cơ thể, bởi chúng không quyết định giá trị của một con người.
Mỗi hình xăm kể một câu chuyện:
Tớ đã từng gặp nhiều người không có cá tính ngổ ngáo, không ăn to nói lớn, không “chơi bời” theo cách mà người đời đóng khung nhưng họ vẫn sở hữu những hình xăm trên cơ thể. Đó có thể là những người bị sẹo do ngã, bỏng..., hay những người phụ nữ mang vết sẹo sau sinh- họ đều không tự tin với những vết sẹo của chính mình. Vết sẹo ấy không đơn giản chỉ là khuyết điểm ngoài da mà họ đang phải chịu vết thương lòng, vết sẹo của sự mặc cảm. Thường là một hình hoa dây vắt ngang, điểm xuyết vào là các hoa văn, hay là hình ảnh gia đình được các thợ xăm cẩn thận đi nét đè lên những khuyết điểm như đang chữa lành vết sẹo tâm hồn của họ.
Hình xăm “tin nhắn cuối cùng của mẹ”. Vào năm 2021, một thợ xăm nhận được đề nghị xăm là tin nhắn của mẹ từ một vị khách trẻ tuổi. Được biết mẹ bạn khách ấy vừa mất được 2 tuần và đó là tin nhắn cuối cùng của 2 mẹ con. Có lẽ, hình xăm trên da cũng là một nơi an toàn và lý tưởng để bạn cất giữ kỉ niệm của mẹ bạn.
Drew Soulman- chàng trai đã xăm tiếng cười của cha cách đây 3 năm lên cánh tay vào ngày sinh nhật năm 18 tuổi của mình. Anh bạn này muốn giữ chặt khoảnh khắc vui vẻ này của cha mình để nhắc nhở bản thân phải luôn lạc quan, luôn yêu đời dù cuộc sống này có thế nào đi chăng nữa. Mỗi hình xăm đều là một câu chuyện mà người lưu giữ nó muốn mang theo suốt cuộc đời, hay là những vết thương lòng mà họ muốn giấu đi để tự tin hơn trong cuộc sống! Cách mà những bông hoa nở rổ đẹp nhất là khi ta biết yêu những vết sẹo, biết trân trọng những khoảnh khắc mà ta lưu giữ nó trên da thịt của mình.
Lời kết:
tớ cũng muốn 1 hình xăm
Trả lờiXóa